Đợt tháng mười vừa rồi tôi có dịp đi dạo quanh anh hàng xóm Singapore. Cũng lâu rồi tôi mới có dịp đi ra khỏi Vietnam, tôi thích cái cảm giác được bay, được transit ở một sân bay nào đó, ngồi ngắm những người xa lạ rảo bước qua lại, cô đơn nhưng thú vị. Singapore nổi tiếng bởi sự hiện đại, bởi những tòa nhà chọc trời, bởi Universal Studio…nhưng đối với tôi thì những cái đó không có nhiều hứng thú vì tôi cũng đã đi nhiều thành phố trên thế giới rồi. Tôi đi Singapore chơi đơn giản giới vì tôi muốn dẫn vợ đi nước ngoài cho biết và cũng vì tôi cần đi du lịch sau một khoảng thời gian rất rất lâu cắm đầu vô công việc.

Thật may thay, Singapore khác những nơi tôi từng qua và còn làm tôi mất mấy tiếng để ngồi viết cái note này.

Chiều hôm qua tôi trở về Tân Sân Nhất sau hơn 1 tiếng 30 phút bay, đơn giản là cảm giác xót xa. Lạ nhỉ, lần trước bay ở Berlin về chả thấy gì, lần này tự nhiên lại xót xa. Tại người ta ở cái tầm cao hơn mình quá, tôi khen Singapore mà tôi xót cho Saigon, tôi nhìn anh xe ôm, nhìn những chị tay xách nách mang, nhìn cái cách người dân quê tôi băng qua đường chễnh chệ bất chấp đèn tín hiệu, tiếng la hét chèo kéo khách, tiếng bóp còi inh ỏi, xa xa là anh công an ngồi lướt điện thoại ở một xó cạnh lối ra sân bay, tất cả đều làm tôi xót xa. Hôm thứ năm trước khi bay đi chơi còn thấy bình thường mà nhỉ!

Changi đón chào vợ chồng tôi bằng cái thác nước trong nhà cao nhất thế giới, đó là cái woww đầu tiên khi tàu điện kết nối giữa những terminal đưa chúng tôi đi qua cái thác nước nhân tạo này, ngay bên trong sân bay. Chúng tôi về đến hostel trời cũng đã tối, hơn 8pm thì phải, nên cả 2 đều đi ngủ sớm để hôm sau có sức mà đi chơi.

Ba ngày vi vu ở thành phố này là ba ngày làm tôi suy ngẫm rất nhiều, cái giả định về một thành phố hiện đại với những tòa nhà chọc trời chán phèo dần dần mất đi khi tôi lần lượt đi qua những tụ điểm nổi tiếng ở đây, chứng kiến cái cách họ nâng tầm công nghệ lên thành nghê thuật đã làm tôi thay đổi góc nhìn của mình. Xây cái nhà cao chót vót lên thì ở thành phố lớn nào cũng có nhưng để khoa học và nghệ thuật thật sự gặp nhau thì không phải nơi nào cũng làm được và cũng không phải người dân ở đâu cũng cảm thụ được. Sáng sớm hôm thứ bảy, trong lúc dạo bộ và ngồi nghỉ ngơi ở trạm xe bus gần khu Chinatown, tôi đọc được một bài chia sẻ của anh country manager bên Knorex, từng học tập và làm việc ở Singapore sau đó về quản lý branch ở Ho Chi Minh. Góc nhìn của anh ấy trong công việc thật ra không mới đối với tôi nhưng đơn giản là nó được đọc đúng lúc, đúng thời điểm. Đó là góc nhìn về việc học suốt đời, học ở bất kì hoàn cảnh nào mà không phải chờ có thầy dạy mới học được, về growth mindset, về thái độ làm việc cho đi trước để nhận lại sau, đặc biệt là về sự toàn cầu hóa nhân lực của các công ty, tập đoàn, đồng nghiệp của bạn ngày nay không còn là những anh em bạn dì nữa mà có thể đến từ bất kì đâu trên thế giới này, Ấn độ, Brazile, Chile, Sillicon Valley, etc. Bài chia sẻ ấy như là chất xúc tác cho chuyến đi của tôi, tôi bắt đầu để ý hơn tới con người nơi đây, từng chi tiết nhỏ trên đường, cách họ đào đường lên và lấp lại cẩn thận mà không để nhấp nhô, cách họ giữ gìn sạch sẽ không chỉ phía trước mà cả phía sau của nhà hàng cho đến cách họ quy hoạch bố trí nhà cửa, bố trí mảng xanh khắp nơi… tôi đã cảm thấy thật khó khăn trong việc tìm ra chỗ để chê. Mọi thứ được hoàn thiện một cách tuyệt vời ở tầm quốc gia, Singapore có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho khái niệm quản lý “tự do trong khuôn khổ”, người dân có không gian để thể hiện cái riêng nhưng phải trong khuôn khổ nhất định để giữ gìn cái chung.

Trưa thứ bảy vợ chồng tôi đi dạo bộ ở khu Marina Bay thì tình cờ được dự giờ một buổi tập hát của mấy em tiểu học. Tụi nhỏ biểu diễn về nhạc kịch hay gì đó đại loại thế, nghe khá xa xỉ đối với đại đa số dân Việt Nam mình. Thật buồn cười khi tôi khen con nít ở Singapore nói tiếng anh hay quá, hát tự tin quá. Nhưng thật sự chúng đã được thừa hưởng di sản phi vật thể quá lớn từ ông Lý, tiếng anh vs tiếng trung, để giờ đây có thể tiếp cận dễ dàng hơn với tinh hoa thế giới, lại thêm cái kiểu giáo dục khai sáng, tự do thể hiện cái tôi cá nhân thế này nữa thì hỡi ơi, mấy đứa cháu ở quê đang đung đưa võng nghe thần tượng Hàn Quốc hát cả ngày hay đang tụ tập quán trà sữa để chém gió, thì rồi cơ may nào để chúng cạnh tranh trong cái thế giới toàn cầu hóa đây. Có thể nhiều người sẽ nghĩ làm gì tới nỗi, vẫn có rất nhiều nhân tài người Việt học trường làng những vẫn nổi danh thế giới đó thôi, nhưng khi đánh giá cái tầm quốc gia thì người ta không nói câu chuyện của một vài người xuất chúng, người ta nói đến sức mạnh của passport index (sức mạnh tấm hộ chiếu Việt Nam hình như đứng gần áp chót bảng xếp hạng), người ta đánh giá thành tích toàn đoàn, có đấy những ngôi sao vàng lẻ loi đoạt huy chương tầm thế giới nhưng có mấy bài báo đăng thành tích của toàn đoàn không! Và theo trải nghiệm cá nhân của tôi, bây giờ khi bạn hỏi một người nước ngoài biết gì về Việt Nam thì câu trả lời khó mà ngoài chiến tranh và gia công quần áo.

À nói một tí về khái niệm “Du lịch, quan sát và suy ngẫm” mà tôi đã từng đọc đâu đó, nó mang tới cho bạn một góc nhìn “thấm” hơn về nơi mình đã đi qua. Du lịch không dừng lại ở những tấm hình selffie khoe trên facebook mà còn cả ở cảm thụ cá nhân. Nhưng cũng có lẽ sự cảm thụ này không dễ mà có được, sau một thời gian dài liên tục học tập, đọc sách, tích lũy kiến thức thì mới may ra chấp chớm cảm nhận được điều này. Đó là lý do vì sao mà chúng ta rất hay thấy du khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch thường tới bảo tàng, thường mua sách về Việt Nam để đọc, đơn giản vì họ đang cảm thụ một cách sâu hơn văn hóa, con người, đất nước chúng ta, chứ không chỉ dừng lại bề nổi ở những bức ảnh. Ngày nay tất nhiên không cần phải tới bảo tàng thì chúng ta mới biết về một nơi nào đó, mọi thứ có thể được đọc dễ dàng qua internet nhưng thật sự cảm giác của việc đi du lịch, cảm nhận bằng chính tất cả giác quan để rồi có những suy ngẫm sâu sắc hơn về sự vật sự việc xung quanh mang lại những lợi ích to lớn. Nó là cơn mưa mùa hè cho những bộ não đã bị lu mờ bởi những thứ lặp đi lặp lại hằng ngày, thậm chí nó có thể thay đổi hoàn toàn góc nhìn của mình từ trước tới nay về một việc nào đó.

Quay trở lại câu chuyện xót xa Singapore, có lẽ một dịp nào đó tôi sẽ trở lại đất nước này để xem cảm giác còn như xưa không. Như một lời nhắn nhủ cho bản thân, toàn cầu hóa là có thật và ở ngay đít rồi. Quên đi những xích mích, những câu chuyện vặt ở xung quanh, trong lúc mình ngồi nhiều chuyện thì thằng khác ở đâu đó vẫn đang miệt mài tu luyện. Kỷ luật hơn, học tập ở mọi nơi, học ở bất kì ai, đừng chờ có thầy dạy thì mới học được, đừng sợ học nhiều quá sẽ làm não mình bớt thông minh. Học kiến thức để tăng trí thông mình IQ, học văn hóa nghệ thuật, học cách ửng xử để tăng trí thông minh EQ. Làm việc với một thái độ sẵn sàng hy sinh, thân tôi đây nè, vứt việc cho tôi đi. Dù biết rằng một cánh én nhỏ khó làm nên mùa xuân, tôi có trở thành công dân toàn cầu cũng chưa chắc Việt Nam sẽ tốt hơn nhưng ít nhất tôi không muốn là người góp phần cho đất nước mà tôi yêu quý trở nên tệ hơn!

Tối qua về đến nhà con bạn người Malay đang sống ở Singapore, thấy hình đăng facebook, mới nhắn rủ cafe, cũng hơi tiếc không gặp được. Nó khoe mới có thằng bồ người Ấn, tụi nó vừa đi đám cưới bạn ở đảo Galapagos bên Ecuador về và rủ năm sau ra Hà Nội xem Vietnam F1 Race.

Chắc năm sau ra Hà Nội, quan sát và ngẫm tiếp nhỉ…